Hiện tại, nền công nghệ của nhân loại được biết đến như một lĩnh vực luôn biến đổi không ngừng, có thể tính bằng giây. Và vào mỗi năm, chúng ta luôn chứng kiến sự ra đời của nhiều xu hướng công nghệ mới. Vậy thì, 2016 sẽ có tân xu hướng nào?
Dưới đây sẽ là top 9 xu hướng cốt lõi sẽ xuất hiện hoặc trở thành chiến lược phát triển của nền công nghệ tính từ năm 2016. Chúng được hãng nghiên cứu Gartner trình bày vào tháng 10 vừa qua tại triển lãm Symposium/Itxpo.
1. Mạng lưới thiết bị
Dù ở thời điểm hiện tại, smartphone vẫn còn được sủng ái song có lẽ chúng ta nên tập xa dần với chúng ít nhất là từ những năm về sau. Cụ thể hơn thì xa dần ở đây không phải là ngưng sử dụng thiết bị thông minh này mà chỉ là chuyển mình, thích ứng với xu hướng mới.
Với sự ra đời của các thiết bị đeo như smartwatch và sự bành trướng của xu hướng Internet of Things (IoT), Gartner dự đoán rằng sự độc tôn của smartphone sẽ sớm bị thay thế bởi một mạng lưới bao gồm nhiều thứ thông minh khác. Trong đó, hãng này nhấn mạnh rằng những cảm biến sẽ được trưng dụng, dùng chung cho các hoạt động công việc - cá nhân, phá vỡ giới hạn trước đây. Ví dụ như các cảm biến trên điện kế, xe cộ,... sẽ tham gia vào các hoạt động thường nhật của người dùng như ăn uống, tập thể thao, nghỉ ngơi,...
2. In 3D
Với chúng ta, in 3D có lẽ không xa lạ lắm, tuy vậy công nghệ này đang tiếp tục phát triển để chứng minh tính hữu ích của mình. Được biết, với một loại vật liệu thống nhất trên rất nhiều lĩnh vực như y tế, hàng không vũ trụ, sản xuất ô tô, quân sự và thậm chí cả trong sản xuất thực phẩm,... in 3D sẽ ngày càng phổ biến, giúp chúng ta hưởng lợi từ những sản phẩm tạo ra với tốc độ nhanh chóng mặt, chuẩn xác nhưng có giá lại rất "sinh viên".
3. Trải nghiệm người dùng theo ngữ cảnh
Công nghệ phát triển khiến cho khoảng cách, rào cản về địa lý, vật lý đang dần bị xoá nhoà. Đơn giản thì bạn không cần đi đâu cả, chỉ cần ở tại nhà bật ứng dụng lên và xem chỗ mình sắp đi du lịch có những gì, đường phố, giao thông công cộng,... ra sao. Thậm chí, máy móc sẽ biết ý thích của bạn như thế nào chẳng hạn như chúng sẽ đề xuất các khách sạn, bãi tắm, điểm du lịch nên đến dựa vàp thói quen, sở thích, nhu cầu, khả năng tài chính,... từ những chọn lựa trong quá khứ từ bạn.
4. Hệ thống các máy học thông minh
Hiểu đơn giản thì hệ thống máy tân tiến này sẽ có khả năng học hỏi, thích nghi với môi trường xung quanh như con người. Như các bạn thấy, ngày nay chỉ cần đăng một bức ảnh chụp người trên Facebook hệ thống sẽ ngay lập tức đề xuất gắn thẻ rất chính xác người dùng trong ảnh hay "bá đạo" hơn là chế độ gắn thẻ album theo chủ đề cực chuẩn trên Google Photos. Trong tương lai, các cỗ máy sẽ còn có thể nhận ra một vật thể xung quanh ngay cả khi vật đó không còn nguyên vẹn, như một chiếc xe vừa bị tan nạn chẳng hạn.
5. Trợ lý ảo
Siri, Google Now hay Cortana là tên của những "cô, cậu" trợ lý ảo cực kì thông minh xuất hiện trên ba nền tảng di động lớn hiện tại là iOS, Android và Windows Phone. Song theo Gartner thì đó cũng chỉ mới là những bước khởi đầu của loại hình tương tác này và chắc chắn nó sẽ lột xác hơn trong thời gian tới. Hãy thử tưởng tượng khi buồn bạn có thể tâm sự, chia sẻ cảm xúc với những người trợ lý cá nhân này, sau đó sẽ nhận được lời động viên, đề xuất các hoạt động giải trí, giảm stress,... cho bản thân. Như thế thì còn gì bằng!
6. Kiến trúc an ninh thích ứng
Với sự hoành hành của nạn tin tặc như hiện nay, một - hai hay nhiều phần mềm virus, hệ thống bảo mật cũng chỉ có thể phòng thủ trước một số mối đe doạ nhất định. Vậy nên, sự ra đời của một hệ thống có khả năng thích ứng theo từng cuộc tấn công sẽ là một bài toán khó nhưng cần thiết. Hiểu đơn giản thì đây sẽ như một loại thuốc trị bách bệnh, khi uống vào sẽ phòng và chữa khỏi những mầm bệnh ngoài tự nhiên và thậm chí có thể kháng lại và giết chết luôn những con virus xấu xa!
7. Bluetooth điểm hiệu
Được triển khai và nói đến nhiều vào cuối năm 2014 - đầu 2015 nên cho đến nay đã có rất nhiều nơi được phủ sóng công nghệ này. Bluetooth điểm hiệu chính là sự trao đổi thời gian thực giữa các beacon (điểm hiệu) với thiết bị thông minh của người dùng khi họ đi đến một địa điểm cụ thể nào đó (có hỗ trợ công nghệ này).
Chẳng hạn, khi bước vào siêu thị, các beacon sẽ liên hệ với nhau và hiển thị chỉ đường đến nơi có thứ bạn muốn mua dựa vào danh sách có sẵn bạn đã soạn. Sau khi kết thúc việc chọn hàng, các beacon sẽ kiểm tra quầy nào đang trống để bạn có thể đến thanh toán. Như vậy có thể nói, công nghệ này là một điểm sáng cần được nhân rộng và phổ biến hơn trong những năm sau.
8. Kiến trúc hệ thống tân tiến
Các máy tính hiện tại có khả năng xử lý khá nhanh và mạnh nhưng đó vẫn chưa là giới hạn mà chúng có thể làm. Một hệ thống tân tiến trong tương lai sẽ phải được xây dựng kết hợp giữa GPU cực khoẻ và một loại mạch cỡ lớn được tích hợp cấu trúc mảng có thể lập trình được gọi là Field-programmable gate array (FPGA). Từ đó đảm bảo những cổ máy của chúng ta có thể thực hiện tốc độ tính toán đo bằng đơn vị teraflop (nghìn tỷ phép tính mỗi giây).
9. Nền tảng Information of Everthing (IoE) và IoT
Có lẽ bạn đã nghe nhắc khá nhiều đến thế giới "internet của vạn vật" rồi nhưng nay còn có thêm một định danh mới liên quan được gọi là "thông tin của mọi vật". Vâng, chúng hiện vẫn đang được phát triển tiếp tục để hoàn thiện cũng như nhân rộng hơn trong tương lai. Theo tiên đoán thì sau này, lượng dữ liệu gửi đi sẽ tăng lên rất nhiều vì hầu như vật nào cũng có khả năng trao đổi thông tin. Vậy nên, việc cần làm của nhân loại lúc bấy giờ sẽ là tìm ra một hệ thống chung có thể phân tích, kiểm soát lượng dữ liệu khổng lồ như vậy.
Đây vừa được xem như một cơ hội nhưng cũng là thách thức khá lớn đối với các tập đoàn lớn, nhất là những công ty cần thu thập thông tin. Việc tận dụng tốt hay bị loạn thông tin sẽ là điểm hơn thua giúp các hãng cạnh tranh với nhau trong thời gian tới.
Tech Radar
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét